Thứ Ba, 27-08-2013 | 09:32

NGHE SOI AN

 

http://muctim.com.vn/Vietnam/Khoa-hoc-Giao-duc/2013/3-9/54545/

 

Nghề “soi sự ăn” (MT 1085 - 9/3/2013)

 

- Liên quan đến thực phẩm - Có tác dụng giúp đỡ cộng đồng - Hút nhân lực trong vòng 5 - 7 năm tới.

3 dữ liệu hấp dẫn trên đều “có mặt” trong ngành Dinh dưỡng Người. Cùng Mực Tím “soi” nhiều điểm lạ hơn nữa trong ngành học này nghen!

Lấy thân mình làm thí nghiệm

Đặc thù của ngành Dinh dưỡng Người là sinh viên sẽ được học cách phân tích các thành phần hóa học có trong thức ăn, xem chúng sẽ “đụng độ” với những chất trong cơ thể người ra sao, ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe. “Nếu như bác sĩ dinh dưỡng thiết kế bữa ăn cho bệnh nhân thì nhiệm vụ của chuyên viên Dinh dưỡng Người là thiết kế bữa ăn cho người bình thường giúp họ tránh bệnh”, thầy Phan Thế Đồng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Người trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, giúp teen phân biệt giữa hai ngành.

 

Thú vị nhất là ở một số môn học, đối tượng thí nghiệm chính là… người học. Cao 1m69 nhưng chỉ nặng 50kg, Văn Quý, sinh viên năm 2, ngành Bảo quản và Chế biến Nông sản Thực phẩm và Dinh dưỡng Người, Đại học Nông Lâm TP.HCM đặt mục tiêu đạt cân nặng 57 kg. “Sau khi áp dụng bài học trong học phần Thiết kế khẩu phần ăn, với thực đơn giảm béo bột, tăng đạm và rau quả, mình đã lên được 4 kg rồi, chỉ còn 3 kg nữa là đạt mục tiêu”, Quý tự hào khoe. Kiến thức ngành học xoay quanh chủ đề ăn uống vì thế sinh viên rất dễ áp dụng vào thực tế. Ngọc Ngân, Sinh viên năm 3 học cùng ngành Văn Quý, đã có một phát hiện bất ngờ khi tiến hành thí nghiệm tách rượu lấy phần cặn chứa hợp chất gây tê liệt thần kinh: “Hợp chất này chính là dầu chuối trong món sương sáo phục linh mà mình vừa ăn. Dầu chuối làm món sương sáo thơm và ngọt ngất ngây nhưng thực chất là chất độc cho gan. Từ đó, mình bái bai món dầu chuối luôn”, Ngân bật mí.

 Ngành học của tương lai

Theo lời cô Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cơ hội việc làm trong ngành Dinh dưỡng Người và Dinh dưỡng Cộng đồng trong những năm sắp tới sẽ rất rộng mở. “Chiến lược quốc gia đến năm 2020 mỗi quận, huyện đều phải có hệ thống cán bộ dinh dưỡng để tư vấn chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe cho người dân”, cô Diệp tiết lộ.

Tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng Người, teen còn có cơ hội làm trong các viện, trung tâm dinh dưỡng, nơi kiểm tra chất lượng các loại thực phẩm, nước uống trên thị trường. Nhà hàng, khách sạn cũng cần chuyên viên dinh dưỡng nghiên cứu cách kết hợp thức ăn sao cho tỉ lệ các chất đạm, béo, bột… cân bằng mà mùi vị món ăn vẫn thơm ngon. Bên cạnh đó hầu hết các công ti thực phẩm đều tuyển dụng chuyên viên hoặc kĩ sư dinh dưỡng để nghiên cứu những thực phẩm mới nên “đất dụng võ” của ngành này rất rộng.

Điều khó nhất để theo đuổi lĩnh vực Dinh dưỡng Người chính là thuyết phục người dân thay đổi thói quen ăn uống. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, người học còn phải nghiên cứu văn hóa ẩm thực của từng vùng, miền để đưa ra lời tư vấn phù hợp.

Bạn muốn làm việc trong lĩnh vực Dinh dưỡng Người có thể theo học chuyên ngành Dinh dưỡng Người (thuộc ngành Bảo quản và Chế biến Nông sản Thực phẩm và Dinh dưỡng Người) Đại học Nông Lâm TP.HCM (khối A, B), chuyên ngành Dinh dưỡng Tiết chế (ngành Dinh dưỡng) Đại học Y Hà Nội (khối B), chuyên ngành Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm (ngành Công nghệ Thực phẩm) Đại học Công nghiệp TP.HCM (khối A, B), chuyên ngành Dinh dưỡng Cộng đồng (ngành Kinh tế Gia đình) Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM (khối A, B). Mức lương khởi điểm của chuyên viên hoặc kĩ sư dinh dưỡng trung bình 5 triệu đồng/tháng.

BÍCH TRÂM