Tin mới nhất
Thời gian phục vụ năm học 2023-2024
THÔNG BÁO Căn cứ Kế hoạch năm học 2023-2024, Thư viện thông báo thời gian phục vụ tại hai cơ sở (Quận 9 và Quận 10) như ...
ĐĂNG NHẬP
CÁC KỸ NĂNG MỀM GIÚP SINH VIÊN SƯ PHẠM THÍCH ỨNG VỚI HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP – RÈN LUYỆN NGHỀ NGHIỆP
Các kỹ năng mềm giúp sinh viên sư phạm thích ứng với hoạt động học tập – rèn luyện nghề nghiệp / TS. Dương Thị Nga // Tạp chí Giáo dục. – Số 325 (1/2014). – Tr.:29 – 31.
TS. DƯƠNG THỊ NGA
Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên
1. Thích ứng nghề là quá trình đưa con người vào tham gia hoạt động học tập và lao động nghề nghiệp; là sự hiện thực hóa dần các phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của cá nhân.
Sự thích ứng nghề trước hết được thể hiện ở giai đoạn học tập – rèn luyện nghề nghiệp (HT – RLNN) ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề. Trong môi trường này, những yêu cầu, đặc điểm về nghề sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong hoạt động HT – RLNN của học sinh (HS), sinh viên (SV) – đặc biệt là trong các môn có tính chất nghiệp vụ, chuyên biệt (ví dụ: Với sinh viên kỹ thuật là các môn học thuộc về kỹ thuật; với sinh viên sư phạm (SVSP) là các môn Tâm lý - giáo dục hay Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm… Người học sẽ bước đầu được “thử thách” với các hoạt động thực tập nghề. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn bởi đó là sự trải nghiệm đầu tiên về nghề, khẳng định giá trị của nghề, góp phần củng cố hứng thú và lý tưởng nghề ở họ. Trong giai đoạn này, sẽ có những đáp ứng khác nhau ở mỗi HS, SV trong quá trình so sánh nhu cầu, năng lực bản thân với yêu cầu học tập và RLNN ở trường chuyên nghiệp. Từ đó, có thể xuất hiện những thái độ, tâm trạng khác nhau: hài lòng, tự tin hay chán nản, hụt hẫng… phụ thuộc vào mức độ thích ứng của họ với hoạt động HT – RL ở nhà trường.
2. Để quá trình học nghề đạt kết quả, người học cần có khả năng thích ứng và khả năng này phải được thể hiện như một năng lực thật sự, mang tính ổn định, tạo ra những phản ứng vô cùng linh hoạt của cá nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Năng lực này được thể hiện ở sự vững vàng và sẵn sàng của cá nhân khi tham gia vào hoạt động lao động nghề nghiệp thực sự sau này. Muốn thích ứng nghề hiệu quả, SVSP cần rèn luyện tích cực các năng lực, kĩ năng (KN) nghề, trong đó phải kể đến việc rèn luyện các “KN mềm” trong hoạt động HT – RLNN. Cụ thể:
1) KN làm chủ bản thân, thể hiện ở sự chủ động trong học tập, trong các mối quan hệ giao tiếp, sinh họat hàng ngày; có sự điều tiết và tổ chức một cách hợp lí cuộc sống cá nhân cũng như các hoạt động học tập. Làm chủ bản thân chính là cách sinh viên tạo cho mình thói quen chủ động trong mọi hoàn cảnh, xác định “vị thế” bản thân ở các tình huống khác nhau; trả lời được câu hỏi: Mình là ai? Mình phải làm gì trong hoàn cảnh này? Các cách giải quyết khác nhau? Kết quả của mỗi cách đó là gì? Đâu là sự lựa chọn tốt nhất?... để từ đó có sự lựa chọn hợp lý, sáng suốt trong các tình huống HT – RTNN, quản lý được hành động cá nhân trong mọi điều kiện (tích cực và tiêu cực) một cách vững vàng và tự tin, đạt kết quả tốt hơn trong các nhiệm vụ khác nhau.
2) KN lắng nghe và tiếp thu nhận xét, phê bình của người khác. Trong quá trình học tập và rèn luyện nghề nghiệp, SV sẽ tiếp nhận những ý kiến đánh giá nhận xét, phê bình… khác nhau của bạn bè, thầy cô, người thân… Các “phản hồi” này có thể mang lại những xúc cảm “âm tính” hoặc “dương tính” cho SV, song điều quan trọng là họ cần biết lắng nghe, suy ngẫm và tiếp thu những ý kiến đó với tất cả sự cầu thị (kể cả khi nhận xét này không mang tính xây dựng, thiếu thiện ý,… thì sự lắng nghe cũng mang lại cho SV những bài học về sự nhẫn nại, sự ứng xử có văn hóa trong giao tiếp…). Rèn luyện KN này sẽ giúp SV hoàn thiện bản thân, rèn luyện phẩm chất của người giáo viên (GV) trong tương lai.
3) KN giao tiếp và ứng xử sư phạm, thể hiện ở sự linh hoạt, khéo léo, chủ động trong các tình huống giao tiếp… Đây là một trong những KN quan trọng của SVSP, cũng là yếu tố cơ bản đảm bảo cho sinh viên có thể tham gia hiệu quả vào các hoạt động RLNN tại trường sư phạm và hoạt động nghề nghiệp thực tế tại các trường phổ thông sau này.
4) Kỹ năng tìm hiểu và lựa chọn thông tin về nghề (ở trường, qua sách báo, truyền hình, internet…). Những thông tin về nghề như: yêu cầu xã hội về phẩm chất, năng lực người giáo viên hiện đại; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; các văn bản của Bộ GD – ĐT (về chế độ, chính sách, vấn đề tuyển dụng, nhu cầu việc làm… ) cần được SV cập nhật thường xuyên và lựa chọn phù hợp, làm mục tiêu và cơ sở cho sự phấn đấu bản thân.
5) KN tìm hiểu, phân tích các thông tin, hiện tượng giáo dục đã và đang xảy ra trong thực tế để có “bức tranh” toàn cảnh về môi trường làm việc trong tương lai qua các phương tiện thông tin đại chúng (như đài, báo, truyền hình, internet,…); gắn lý thuyết với thực tiễn. Những hiện tượng giáo dục tích cực (các tấm gương tốt, điển hình về GV, SV; các thành quả giáo dục, kinh nghiệm giáo dục…) và tiêu cực (gian lận trong thi cử, sự suy thoái về đạo đức nhân cách của một bộ phận GV, SV, HS…) cần được SV nắm rõ, phân tích; qua đó lựa chọn cho bản thân quan điểm, cách ứng xử phù hợp, tránh thái độ “cực đoan” (quá “tô hồng” hoặc thất vọng) về NN đã lựa chọn.
6) KN chia sẻ các kinh nghiêm HT – RLNN. KN này cần ở sinh viên sự đồng cảm, khả năng hợp tác, tinh thần cầu thị trong mối quan hệ giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Điều này sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn với tập thể, tạo ra sự tương trợ lẫn nhau trong hoạt động HT – RLNN. Kinh nghiệm học tập nằm trong mỗi cá nhân. Khi được chia sẻ với mọi người, kinh nghiệm đó sẽ được nhân lên gấp bội về tính hiệu quả, tạo cơ hội tối ưu cho sự phát triển của cá nhân; khiến cho các mối quan hệ trở nên gắn bó hơn, các giá trị nghề nghiệp được củng cố vững chắc hơn,… Chia sẻ cho ai? Chia sẻ những KN gì? Chia sẻ như thế nào?... là những câu hỏi SV cần trả lời trong HT – RLNN.
7) KN tự tạo các cơ hội HT – RLNN. Với một chương trình đào tạo bài bản, có hệ thống nhà trường sư phạm sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho SV có thể tham gia vào quá trình HT – RLNN. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: để quá trình này đạt kết quả tối ưu, SV không những phải tranh thủ được những cơ hội học tập sẵn có, mà cao hơn nữa cần có KN “tự tạo cơ hội HT – RLNN” cho mình. Điều này đòi hỏi SV sự linh hoạt, chủ động trong học tập, tham gia tích cực vào các hoạt động chính khóa, ngoại khóa, các hoạt động xã hội (Đoàn thanh niên, Hội SV…); biết tự thiết kế, tổ chức các hoạt động trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là tìm hiểu và tạo các cơ hội học tập tại các cơ sở thực hành, các trường phổ thông. Điều này giúp SV có môi trường rộng lớn và tối ưu nhất cho hoạt động HT – RLNN.
8) KN làm chủ các quyết định. Trong hoạt động HT – RLNN, SV cần đưa ra những quyết định trong các tình huống (ví dụ: lựa chọn tín chỉ, môn học, giảng viên, các hình thức tổ chức học tập của cá nhân…). Những tình huống này đòi hỏi SV có kinh nghiệm là chủ bản thân khi ra các quyết định với tư duy và khả năng phân tích sáng suốt và sự nhạy cảm cần thiết…. để có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. KN làm chủ các quyết định tạo cho SV thói quen chủ động, vững vàng và quyết đoán trong mọi tình huống, giúp họ vững vàng hơn khi tham gia vào hoạt động NN thực sự sau này cũng như thể hiện khả năng “lãnh đạo bản thân” trong cuộc sống.
9) KN làm chủ và bộc lộ các cảm xúc tích cực đối với người khác. Nghề dạy học đòi hỏi những yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực, đặc biệt là sự mẫu mực về nhân cách, sự thận trọng đúng mực và mang tính giáo dục khi bộc lộ các trạng thái cảm xúc ở người thầy. SVSP cần có sự rèn luyện cả về lí trí và tình cảm khi bộc lộ cảm xúc; bình tĩnh phán đoán nhanh các tình huống để lựa chọn thái độ cảm xúc cho phù hợp. Làm chủ và bộc lộ cảm xúc có ý nghĩa tích cực không có nghĩa là bộc lộ các xúc cảm “dương tính”, mà thể hiện ở sự bộc lộ và lựa chọn các xúc cảm khác nhau nhưng mang ý nghĩa giáo dục, có thể hình thành những trạng thái tích cực cho đối tượng giao tiếp. Khi nào nên vui, nên buồn, nên thể hiện sự lo lắng cũng như đồng cảm, sự bao dung.. chính là quá trình rèn luyện để có được “nghệ thuật” trong bộc lộ cảm xúc.
10) KN chấp nhận và cải tạo môi trường HT – RLNN. Không ít SV khi tham gia vào môi trường HT – RLNN cảm thấy thất vọng hoặc không hài lòng với hoàn cảnh cùng các điều kiện học tập, rèn luyện. Điều này thường khiến họ có thái độ chán nản, tiêu cực, đổ lỗi cho hoàn cảnh, môi trường sau mỗi lần thất bại, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, rèn luyện của bản thân. Do vậy, SV cần biết “chấp nhận” và cao hơn nữa là “cải tạo” môi trường HT – RLNN. Sự “chấp nhận” cho phép SV có cái nhìn thực tế vào điều kiện, hoàn cảnh học tập, tự xây dựng những “xúc cảm tích cực” làm động lực cho quá trình học tập, phấn đấu. Họ cũng cần nhận thấy những điều kiện “đã có” và “chưa có”, thuận lợi hoặc chưa thuận lợi… ở môi trường, từ đó tìm cách khắc phục những hạn chế, thiếu hụt… một cách tối ưu. Ví dụ: SVSP mầm non có thể thiếu phòng tập múa, phòng học bộ môn (như môn Dinh dưỡng), song các em đã biết “chấp nhận”, chủ động tạo các môi trường thay thế để không ảnh hưởng đến hoạt động học tập của mình.
11) KN làm chủ trước đám đông. Trong hoạt động nghề nghiệp tương lai, SVSP sẽ phải thường xuyên xuất hiện trước đám đông để thực hiện các nhiệm vụ của mình (dạy học, giáo dục, tiến hành các hoạt động ngoại khóa, tổ chức họp phụ huynh…). Do vậy, các em cần phải rèn luyện KN làm chủ trước đám đông, thể hiện ở sự chủ động: điều tiết cảm xúc; khả năng sử dụng ngôn ngữ và truyền đạt thông tin; xử lý tình huống; năng lực “quản lý dư luận” cũng như “xúc cảm đám đông”…
12) KN chấp nhận và vươn lên sau thất bại. Trong quá trình học tập và rèn luyện, SV có thể gặp những thất bại ở những mức độ khác nhau (bị điểm kém, thi trượt, không hoàn thành bài tập, không đạt mục tiêu đề ra; gặp những thất bại về tài chính, tình bạn, tình yêu…), ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm, hứng thú nghề nghiệp của họ. Không ít SV đã trở nên mặc cảm, tự ti, có thái độ “buông xuôi” khi gặp thất bại. Do vậy, để vững vàng trong các tình huống như vậy, SV cần can đảm nhìn thẳng vào những thất bại của mình, bình tĩnh suy xét, phân tích nguyên nhân, từ đó tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. SV cần biết chấp nhận sự thật và tạo động cơ vươn lên sau thất bại – bởi thất bại cũng có ý nghĩa ở chỗ nó mang lại những bài học kinh nghiệm để họ có thể trưởng thành hơn trong cuộc sống.
13) KN xây dựng những xúc cảm tích cực về nghề nghiệp. Không thể trở thành một người làm nghề giỏi khi bản thân không yêu nghề, không có hứng thú với nghề. Do vậy, để có thể trở thành những GV giỏi, SVSP cần có KN xây dựng những xúc cảm tích cực về nghề đó là: sự yêu nghề, hứng thú với nghề, có niềm tự hào về nghề. Sự tích cực tìm hiểu những giá trị cao quý của nghề sẽ là yếu tố giúp SV hình thành và phát triển những cảm xúc tích cực về nghề, từ đó không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn trong quá trình nỗ lực học tập rèn luyện nghề.
14) KN học và tự học suốt đời. Đây là KN không thể thiếu trong các “KN mềm” nhằm giúp SVSP đạt được kết quả tối ưu trong quá trình rèn luyện. Họ cần rèn cho mình thái độ học tập tích cực: học ở mọi nơi, mọi lúc; học ở mọi người, mọi hoàn cảnh điều kiện khác nhau; luôn có thói quen tự học và tinh thần học tập suốt đời; xác định các phương pháp tự học hiệu quả (ghi chép thông tin; tự đề ra các kế hoạch ngắn và dài hạn trong học tập, rèn luyện; quy định về việc đọc sách, tài liệu tham khảo của cá nhân…); tận dụng tối đa các cơ hội học tập,…
3. Trong xu thế hội nhập quốc tế và những đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn người lao động, SV nói chung và SVSP nói riêng cần ý thức rõ trách nhiệm của bản thân trong hoạt động HT – RLNN bởi đây chính là nền tảng tạo ra những thành công trong lao động nghề nghiệp thực sự sau này. Song song với việc rèn các “KN cứng”, sự tích cực trong việc rèn luyện các “KN mềm” sẽ giúp SV có được một hành trang phong phú để sẵn sàng tham gia vào hoạt động nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động. Việc tạo ra môi trường tối ưu cho sự rèn luyện các “KN mềm” cho SV chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các đơn vị, nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong giai đoạn hiện nay. q
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Văn Hộ. Thích ứng sư phạm. NXB Giáo dục, H. 2000.
- Duffy R. D, - Blustein D. L. “The relationship betwenn spirituality, religiousness, and career adaptibility”. Jounal of Vocation Behavior, 2005.
- http://www.softskillsinstitution.com/faq.htm