Thứ Tư, 03-12-2014 | 13:49

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẼ HIỆU QUẢ CHO TRẺ MẦM NON

Tổ chức hoạt động vẽ hiệu quả cho trẻ mầm non / Minh Hằng (sưu tầm)// Tạp chí Giáo dục mầm non.- Số 4/2013. - Tr.: 21 - 23. 

 

 MINH HẰNG  (Sưu tầm)

Hoạt động tạo hình nói chung và hoạt động vẽ nói riêng chính là sự thể hiện những biểu tượng, ấn tượng và suy nghĩ, tình cảm của trẻ, là sự giao tiếp, “nói chuyện” bằng các hình thức. Vẽ giúp trẻ suy nghĩ và hình thành các ý tưởng sáng tạo, đồng thời còn là một  hình thức rèn luyện trí tuệ.

  Dạy vẽ cho trẻ mầm non không nhằm đào tạo trẻ thành họa sĩ mà thông qua vẽ nhằm khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, cho trẻ hứng thú trước cái đẹp. Dạy vẽ còn giúp cho trẻ bước đầu làm quen với các phương tiện và ngôn ngữ tạo hình như: đường nét, hình dáng, màu sắc, bố cục… thông qua đó phát triển năng lực quan sát, phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo; đồng thời có ý nghĩa tích cực trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 như: làm quen với cách sử dụng đồ dùng học tập, nề nếp lấy - cất đồ dùng, rèn luyện kỹ năng cầm bút…

  Lập kế hoạch hình thành và rèn luyện kỹ năng vẽ của trẻ

  Khi tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ, giáo viên cần nắm rõ đặc điểm, tính cách từng trẻ. Có thể cho trẻ thực hiện một số kỹ năng đơn giản như: vẽ các nét thẳng, nét ngang, nét cong, tô màu… vẽ tự do theo ý thích trên giấy hoặc vẽ bằng phấn trên bảng con. Có thể tiến hành nhiều lần, ở nhiều không gian, hoạt động khác nhau. Giáo viên cần quan sát và ghi chép kỹ năng, xu hướng của từng trẻ để đánh giá khả năng của trẻ làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động.

  Để xác định và lựa chọn cân đối các hoạt động cho trẻ vẽ, giáo viên cần nghiên cứu tài liệu và tự bồi dưỡng chuyên môn để hiểu sâu đặc trưng các thể loại hướng dẫn trẻ vẽ như: Vẽ theo mẫu nhằm dạy cho trẻ những kỹ năng vẽ đường nét cơ bản, tạo hình dáng các đồ dùng quen thuộc, gần gũi, dạy trẻ biết cách quan sát đồ vật từ tổng thể đến chi tiết; vẽ trang trí dạy cho trẻ làm quen với cách sắp xếp  các hình vẽ và màu sắc đơn giản trên một hình hay đồ vật, làm cho đồ vật trở nên đẹp hơn; vẽ theo đề tài nhằm củng cố những kỹ năng vẽ đường nét cơ bản, hướng dẫn trẻ biết phối hợp các nét vẽ cơ bản tạo nên hình dáng các đồ vật và sắp xếp chúng thành bức tranh đơn giản có nội dung theo một đề tài cho trước, thông qua đó phát triển ở trẻ trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo… ; vẽ theo ý thích giúp trẻ phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo, trẻ bộc lộ được những xúc cảm của mình về thế giới xung quanh thông qua các hình vẽ.

  Lập kế hoạch hình thành và rèn luyện kỹ năng cho trẻ

  Dựa vào tình hình thực tế của lớp, căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, căn cứ vào việc dự kiến xây dựng các chủ đề trong năm học, giáo viên có thể dự kiến lập kế hoạch cho trẻ vẽ như sau:

THÁNG (CHỦ ĐỀ)

NỘI DUNG RÈN KỸ NĂNG

8

Rèn nề nếp học tập cho trẻ như tư thế ngồi, tư thế cầm bút. Đặt giấy, chọn màu.

9

(Chủ đề trường lớp mầm non)

Rèn kỹ năng vẽ nét thẳng, nét xiên, nét cong và kỹ năng tô màu cho trẻ (Vẽ chùm bóng bay, vẽ quả bóng… đồ chơi tặng bạn).

10

(Chủ đề bản thân)

Tiếp tục vẽ các nét đơn giản như: Nét thẳng, nét ngang, nét cong, nét xiên, tô màu (Vẽ áo cho bạn).

11

(Chủ đề gia đình)

Hướng dẫn cho trẻ biết phối hợp các nét vẽ để vẽ (Vẽ cái ly, cái chén…).

12

(Chủ đề ngành nghề)

Cho trẻ thực hiện vẽ theo mẫu kết  hợp tô màu (Vẽ đồ dùng hoặc dụng cụ nghề…).

01

(Chủ đề thế giới thực vật và Tết mùa xuân)

Trẻ thực hiện vẽ trang trí (Vẽ hoa, lá, vẽ quả, vẽ cây xanh…).

 

02

(Chủ đề thế giới động vật)

Trẻ thực hiện vẽ theo đề tài kết hợp tô màu bức tranh và tô nền bức tranh (Vẽ đàn gà, nhà bé, vẽ cá bơi, vẽ các con vật gần gũi với bé…).

03

(Chủ đề Giao thông và các quy định về giao thông)

Vẽ theo ý thích, tô màu tổng thể bức tranh (Vẽ ô tô, vẽ tàu hỏa, máy bay, vẽ ngã tư đường phố…).

04 và 05

(Chủ đề các hiện tượng thiên nhiên và quê hương đất nước, Bác Hồ

Thực hiện tổng thể bức tranh, biết phối màu, bố cục bức tranh (Vẽ phong cảnh về biển, miền núi…).

   Hướng dẫn trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo

  Để hướng dẫn và rèn kỹ năng, đồng thời đánh giá đúng khả năng của trẻ qua tranh vẽ, cần nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, không vội vàng nôn nóng trước kết quả học tập của trẻ, không cầm tay vẽ hộ trẻ, phải kiên trì vận dụng các phương pháp dạy học trên lớp và ở mọi lúc mọi nơi để hình thành kỹ năng cho trẻ. Đối với những trẻ nhận thức chậm, không có năng khiếu hoặc thể lực yếu, chưa cầm được bút chì, chưa tô màu được… thì nên sử dụng phương pháp giáo dục cá biệt, trong các giờ học giờ chơi cần phải quan tâm đến cháu đó nhiều hơn bằng cách gợi ý từng bước, động viên kịp thời để tạo hứng thú cho trẻ.

  Khi đánh giá tranh vẽ của trẻ cần dựa trên yêu cầu của giờ học và khả năng tư duy của từng độ tuổi. Không áp đặt tư duy của người lớn vào đánh giá tranh vẽ của trẻ. Giáo viên cần tìm ra những điểm mạnh, tiến bộ hoặc ý tưởng riêng của trẻ để động viên, khen ngợi trẻ; không nên trách phạt hoặc nhận xét gay gắt đối với những trẻ chưa thực hiện được yêu cầu của giờ học. Đối với những trẻ kỹ năng chưa tốt do nhận thức chậm, biện pháp tốt nhất là kết hợp với gia đình để phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ luyện tập thêm ở nhà.

  Để hoạt động có kết quả cao, giáo viên phải biết tổ chức, biết hướng dẫn phát huy tính tích cực học tập của trẻ. Cô giáo cần thu hút sự chú ý và tạo hứng thú cho trẻ bằng các thủ thuật như: trò chơi, câu đố, bài thơ, bài hát… Nắm được yếu tố này, tùy theo yêu cầu, nội dung của bài vẽ để lựa chọn tổ chức cho trẻ thực hiện hoạt động ở những địa điểm cũng như môi trường phù hợp. Ví dụ, khi cần vẽ đề tài thiên nhiên, nên tổ chức cho trẻ vẽ ngoài vườn trường, để trẻ được quan sát, tiếp xúc với khung cảnh, cây cối thật. Khi tổ chức cho trẻ vẽ ở ngoài trời, cần chuẩn bị các yếu tố: chọn chỗ ngồi cho trẻ không bị nắng gió, đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh và an toàn, có thể không cần bàn ghế hoặc cho trẻ dùng phấn vẽ trên bảng con, nền sân… Đặc biệt phải quan tâm đến việc phân bố thời gian: dành thời gian tối đa cho trẻ vẽ, tránh để thời gian chết do sự chuẩn bị chưa chu đáo hoặc hướng dẫn quá chậm, lúng túng hay vào bài quá dài lan man. Khi trẻ vẽ, cần bao quát toàn lớp để phát hiện những trẻ đang gặp khó khăn như: bút chì bị gãy, chưa biết cách thể hiện bài vẽ, chưa biết phối màu… Trong khi trẻ vẽ, giáo viên cần tránh nói to hoặc yêu cầu trẻ dừng lại để giải thích, hướng dẫn… làm phân tán chú ý và hứng thú của trẻ; nên hướng dẫn cho từng cá nhân hoặc một nhóm trẻ ngồi cùng bàn.

  Chuẩn bị đồ dùng dạy học để thu hút trẻ vào hoạt động vẽ một cách liên tục

  Đồ dùng dạy học gồm có đồ dùng cho việc dạy của cô và đồ dùng học tập của trẻ. Để tiết học đạt hiệu quả, cần chuẩn bị đồ dùng chu đáo để chủ động khi hướng dẫn cho trẻ, trẻ không bị cắt ngang cảm hứng khi vẽ.

  Mẫu vẽ có thể bằng vật thật hoặc tranh ảnh. Mẫu thật: Có thể là đồ dùng, đồ chơi, như: Lọ hoa, quả bóng, cái ly, cái chén, quả cam… Mẫu cần phải được lựa chọn có hình dáng đơn giản, màu sắc rõ ràng, kích cỡ vừa cho trẻ dễ quan sát và đặt ở vị trí cho tất cả trẻ trong lớp đều nhìn rõ. Mẫu vẽ là tranh hay hình ảnh cần được lựa chọn phù hợp với nội dung của bài vẽ,  hình vẽ và màu sắc rõ ràng, đơn giản, gần gũi với trẻ.

  Nếu dùng bảng, cần dùng bảng có màu đậm, phấn màu, phấn trắng phải được chuẩn bị đầy đủ. Bút chì, bút màu đủ cho mọi trẻ, kiểm tra lại bút vẽ của trẻ trước giờ vẽ, nếu gẫy phải gọt ngay. Bút vẽ của trẻ không được gọt quá dài, nhọn quá dễ bị gẫy. Sáp màu cũng phải thường xuyên kiểm tra để bổ sung và thay những thỏi sáp bị gẫy, không nên để trẻ sử dụng những mẩu sáp quá ngắn ảnh hưởng đến hứng thú và kết quả học tập của trẻ.

  Giấy vẽ của trẻ cũng cần được chuẩn bị trước, có thể dùng các kích cỡ giấy và giấy vẽ các màu khác nhau để trẻ sáng tạo trong lựa chọn màu nền, màu chi tiết… Bàn ghế phải được chuẩn bị kiểm tra trước khi cho trẻ vẽ, có đủ chỗ ngồi cho mọi trẻ, không nên để trẻ phải ngồi quá chật ảnh hưởng đến kết quả. Bàn ghế phải phù hợp vừa tầm với trẻ, không dùng bàn ghế cao hoặc quá thấp.

  Tạo môi trường trong và ngoài lớp

  Sắp xếp bố trí các góc chơi của trẻ hợp lý, treo tranh chủ đề trong lớp vừa tầm với trẻ, tranh ảnh phải mang tính thẩm mỹ, hài hòa để nâng cao nhận thức của trẻ về bố cục tranh, màu sắc, đường nét nhất là ở góc nghệ thuật.

  Thường xuyên treo tranh mẫu trong góc, lưu và treo sản phẩm tạo hình của trẻ trong góc nghệ thuật và góc sản phẩm của bé cho phụ huynh cùng được quan sát. Nên sử dụng tranh vẽ, sản phẩm của trẻ để trang trí vào góc hộp đựng đồ dùng, các ô cửa sổ… để khuyến khích trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo.